Sức khỏe sinh sản là một phần quan trọng đảm bảo sự phát triển toàn diện cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Việc thực hiện các mốc khám thai định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm vấn đề tiềm ẩn mà còn đảm bảo sự an tâm, giúp mẹ bầu có lộ trình chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất. Dưới đây là các mốc khám thai quan trọng Nhà Thuốc Minh Thi 2 muốn chia sẻ đến bạn.
Vì sao mẹ bầu cần đảm bảo các mốc khám thai định kỳ?
Việc ghi nhớ các mốc khám thai định kỳ rất có lợi cho cả mẹ và bé. Những lợi ích này đã được các chuyên gia y tế nghiên cứu và chứng minh. Cụ thể như sau:
- Khám thai định kỳ giúp mẹ nắm rõ tình trạng phát triển và sức khỏe của thai nhi.
- Qua mỗi lần khám, mẹ bầu được tư vấn cũng như hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời, thai phụ cũng được biết những lưu ý quan trọng ở từng tam cá nguyệt để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
- Các xét nghiệm được thực hiện trong tùng giai đoạn giúp tầm soát các biến chứng thai kỳ một cách chính xác nhất. Từ đó giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề (nếu có) và đưa ra phương án hỗ trợ, điều trị kịp thời.
- Mẹ bầu tuân thủ các mốc khám thai định kỳ giúp giảm nguy cơ tử vong ở thai nhi xuống 5 lần so với những mẹ bầu không khám thai. Không chỉ có vậy, việc kiểm tra định kỳ cũng giúp thai nhi khỏe mạnh và đảm bảo trọng lượng tốt nhất trong từng tuần phát triển của thai.
Tam cá nguyệt thứ nhất
Tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Ở mốc thời gian này, sản phụ lưu ý khám vào từng thời điểm sau đây:
Mốc đầu tiên: 5 – 8 tuần
Lần khám thai đầu tiên sẽ diễn ra vào tuần thứ 5 – 8 của thai kỳ. Đây là cột mốc quan trọng giúp chị em xác định mình có thực sự mang thai hay không và xác định vị trí thai làm tổ, nhịp tim của thai nhi.
Nếu bạn đang bị chậm kinh khoảng 2 tuần so với chu kỳ bình thường (đối với người có kinh nguyệt đều), đồng thời test que thử thai 2 vạch thì hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện trong giai đoạn này.
Mốc thứ hai: 8 – 10 tuần
Trong lần khám thai đầu tiên nếu mẹ vừa cấn bầu, bác sĩ siêu âm chưa thấy phôi thai làm tổ hoặc chưa thấy tim thai thì họ sẽ hẹn bạn khám lại lần nữa khi thai được 8 – 10 tuần. Ở mốc khám thứ hai, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện sức khỏe của thai nhi như: tim thai, phôi thai và tiếp tục thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Mốc thứ ba: 11 – 13 tuần
Đây là mốc khám thai định kỳ quan trọng trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên của mẹ bầu. Lúc này thai đã được 11 – 13 tuần và là thời điểm tốt nhất để tầm soát, sàng lọc dị tật thai nhi bẩm sinh.
Giai đoạn này, bác sĩ sẽ tiến hành đo độ mờ da gáy, tầm soát những bất thường cấu trúc như bất thường nhiễm sắc sắc thể. Ngoài ra, mẹ sẽ được siêu âm để phát hiện dị tật ở thai nhi như vô sọ, bất thường não, bất thường tim, thoát vị rốn,… Bên cạnh đó, thai phụ cũng được làm thêm xét nghiệm máu tầm soát các bất thường số lượng nhiễm sắc thể, đo huyết áp và làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật.
Tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ hai là giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ. Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng trải qua 4 mốc khám thai định kỳ như sau:
Mốc thứ tư: 16 – 18 tuần
Khi thai được 16 – 18 tuần, sản phụ sẽ được bác sĩ hẹn khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Mẹ sẽ được siêu âm thai, đo huyết áp, kiểm tra cân nặng là những việc cơ bản khi khám thai. Ngoài ra, những trường hợp có tiền sử sinh non, thai kỳ có yếu tố nguy cơ cao sẽ được bác sĩ chỉ định đo chiều dài kênh cổ tử cung.
Mốc thứ năm: 20 – 24 tuần
Đây là lần khám thứ 5 trong quá trình mang thai của một thai phụ. Khi bước vào tuần 20 – 24, mẹ bầu tiếp tục được bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi và tầm soát các dị tật thai nhi một cách chính xác hơn.
Những xét nghiệm quan trọng ở giai đoạn khám thai định kỳ này mẹ bầu không nên bỏ qua là: siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm những bất thường về hình thái; đo chiều dài kênh cổ tử cung tầm soát dấu hiệu dọa sinh non. Trong trường hợp phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Trong thời điểm này, mẹ bầu cũng cần thực hiện tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.
Mốc thứ sáu: 24 – 28 tuần
Ở mốc 24 – 18 tuần, sản phụ vẫn được kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, giai đoạn này mẹ bầu sẽ thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường để tầm soát nguy cơ tiểu đường thai kỳ khi mang thai.
Đây cũng là thời điểm mẹ bầu tiếp tục tiêm mũi uốn ván VAT thứ hai khi thai được hơn 27 tuần. Nếu mẹ bầu bị viêm gan B sẽ được làm xét nghiệm máu để quyết định có điều trị bệnh lý này hay không nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi.
Tam cá nguyệt thứ ba
Tam cá nguyệt thứ ba cũng là kỳ tam cá nguyệt cuối cùng nằm trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Ở giai đoạn này, mẹ bầu hãy sẵn sàng tinh thần cho lần vượt cạn sau một hành trình dài hơn 9 tháng vừa qua.
Mốc thứ bảy: 28 – 32 tuần
Ở mốc khám thai định kỳ thứ bảy tại tuần 28 – 32, mẹ bầu sau khi được đo huyết áp, kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm tim thai,… Sản phụ sẽ được siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện những bất thường thai nhi xuất hiện muộn ở giai đoạn cuối này.
Mốc thứ tám: 32 – 36 tuần
Khi thai nhi được 32 – 36 tuần, mẹ bầu sẽ đến khám định kỳ để kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Ở thời điểm này, bạn nên đi khám 2 tuần/ 1 lần. Ở những trường hợp đặc biệt có thể làm thêm những xét nghiệm theo chỉ định bác sĩ.
Mốc thứ chín: 36 – 40 tuần
Đây là cột mốc cuối cùng của giai đoạn khám thai định kỳ. Mẹ bầu được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe toàn diện của thai nhi thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai. Đồng thời, sản phụ cũng được kiểm tra cổ tử cung, khung chậu để tiên lượng khả năng sinh thường.
Việc đảm bảo sức khỏe sinh sản thông qua các mốc khám thai định kỳ không chỉ là trách nhiệm của chính bản thân người phụ nữ mang thai mà còn là cơ hội để kiểm tra sức khỏe, sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, đừng bỏ lỡ bất kỳ giai đoạn kiểm tra thai nào mẹ nhé