Mang thai là hành trình tuyệt vời của một người phụ nữ. Tuy nhiên, hành trình này cũng đầy thách thức đối với họ. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, việc theo dõi định kỳ theo từng giai đoạn khám thai là rất quan trọng. Cùng Nhà Thuốc Minh Thi 2 tìm hiểu chi tiết các giai đoạn khám thai mà mẹ bầu không nên bỏ qua để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhất.
Vì sao mẹ bầu cần khám thai định kỳ?
Khám thai định kỳ là việc quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai. Việc khám thai giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra, đánh giá sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, qua các giai đoạn đi khám thai cũng giúp theo dõi sức khoẻ của mẹ bầu, phát hiện sớm những bất thường khi mang thai. Từ đó lên phương án xử lý và tư vấn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng phù hợp nhất. Đồng thời, hạn chế tối đa các biến chứng thai kỳ như sinh non, tiền sản giật,…
Qua việc khám thai bác sĩ cũng xác định chính xác tối đa ngày dự sinh của mẹ bầu. Điều này giúp mẹ bầu và gia đình có sự chuẩn bị về tinh thần, vật chất và tài chính tốt nhất để chào đón thiên thần bé nhỏ.
Các giai đoạn khám thai cần thiết
Dưới đây là các giai đoạn khám thai định kỳ mẹ bầu nhất định phải nhớ:
Giai đoạn 5 – 8 tuần
Đây là giai đoạn khám thai định kỳ quan trọng đầu tiên đối với mẹ bầu và thai nhi. Ở giai đoạn này, sau khi phát hiện có thai bằng dấu hiệu trễ kinh, que thử thai hiện 2 vạch hoặc có các dấu hiệu mang thai sớm, bạn nên chuẩn bị tâm lý để khám thai càng sớm càng tốt.
Khám thai lần đầu ở mốc 5 – 8 tuần, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Kiểm tra chỉ số BMI (chiều cao và cân nặng) để đánh giá tình trạng thừa cân hoặc béo phì ở mẹ bầu. Từ đó có cách kiểm soát cân nặng phù hợp khi mang thai nhằm hạn chế các biến chứng xảy ra.
- Kiểm tra huyết áp xem mẹ bầu có tăng huyết áp hay không giúp phòng ngừa tiền sản giật.
- Siêu âm xác định vị trí làm tổ của phôi thai nhằm loại trừ tình huống thai nằm ngoài tử cung.
- Xét nghiệm máu trong trường hợp siêu âm không thấy rõ túi thai hoặc có dấu hiệu bất thường.
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên kết quả siêu âm.
Ở buổi khám này, bác sĩ sẽ tư vấn thêm về cách bổ sung các loại vitamin cần thiết cho thai phụ, tư vấn lối sống, thực phẩm cần tránh,… để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh nhất.
Giai đoạn 11 – 13 tuần
Tuần thai kỳ 11 – 13 tuần cũng là một trong các giai đoạn kiểm tra thai kỳ quan trọng thai phụ không được bỏ qua. Bác sĩ sẽ thực hiện đo cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm để đánh giá tình trạng sức khoẻ của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định làm xét nghiệm xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra bất thường ở giai đoạn này như: Thai vô sọ, bàng quang lớn, thoát vị rốn,… đặc biệt là siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ mắc bệnh Down hay không.
Trường hợp kết quả cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn những xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán chính xác hơn là thực hiện xét nghiệm NIPT. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thai phụ nên xét nghiệm đánh giá nguy cơ tiền sản giật để có phương án dự phòng.
Giai đoạn 16 – 22 tuần
Trong thời kỳ 16 – 22 tuần, khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ vẫn thực hiện đo cân nặng, huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,… để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, nếu xét nghiệm Double test chưa được thực hiện thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test ở giai đoạn này.
Triple test thường được thực hiện ở giai đoạn 16 – 18 tuần để sàng lọc các bệnh lý ở thai nhi, tuy nhiên độ nhạy sẽ thấp hơn hoặc thai phụ có thể làm NIPT.
Giai đoạn 22 – 28 tuần
Ở cột mốc 22 – 28 tuần, các bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu và đo chiều cao tử cung và vòng bụng của sản phụ để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tim thai. Bên cạnh đó, sản phụ sẽ được siêu âm tầm soát dị tật thai nhi bằng phương pháp siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, nước ối,…
Giai đoạn thai kỳ này, sản phụ cũng phải tầm soát đái tháo đường thai kỳ (hay test tiểu đường thai kỳ) và thực hiện tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên.
Giai đoạn 28 – 32 tuần
Khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ vẫn sẽ theo dõi cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá sản phủ có tình trạng cao huyết áp, tiền sản giật hay không. Đồng thời, siêu âm tầm soát dị tật thai nhi để phát hiện các bất thường khởi phát muộn như: Tắc ruột, giãn não thất, nhiễm trùng bào thai,… và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, mẹ bầu sẽ thực hiện tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi thứ 2.
Giai đoạn 32 – 34 tuần
Giai đoạn thai ở tuần 32 – 34, bác sĩ sẽ siêu âm thai, ước tính kích thước của thai, ra và ối, ngôi thai, xét nghiệm xét nghiệm non-stress để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
Giai đoạn 34 – 36 tuần
Bác sĩ thực hiện các đánh giá như ở giai đoạn trên (32 – 34 tuần) để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm khác tùy theo từng trường hợp.
Giai đoạn 36 – 39 tuần
Đây là giai đoạn quan trọng và cũng là giai đoạn cuối cùng trong hành trình mang thai của mẹ bầu vì thai phụ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Ở tuần 36 – 39, bạn nên đi khám mỗi tuần 1 lần và bác sĩ sẽ chỉ định thăm khám thường quy như: siêu âm, xét nghiệm, thực hiện non-stress, kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm để đánh giá khung xương chậu của thai phụ. Từ đó tư vấn mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé. Đồng thời, tư vấn giúp thai phụ nhận biết dấu hiệu sắp sinh để nhập viện kịp thời.
Lưu ý khi đi khám thai mẹ bầu cần biết
Khi đi khám thai định kỳ, ngoài việc nắm rõ các giai đoạn quan trọng thai phụ cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
- Nên mặc trang phục thoải mái khi đi khám. Tốt nhất bạn nên chọn mặc đầm bầu, quần bầu và đi dép bệt êm chân để tiện cho việc đi lại và thăm khám thuận tiện hơn.
- Tránh sử dụng chất kích thích và nên nhịn ăn đúng thời gian quy định khi làm các xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.
- Ở kỳ tam cá nguyệt đầu tiên, sản phụ nên uống nhiều nước và nhịn đi tiểu để hình ảnh siêu âm được rõ nét nhất. Bước sang các giai đoạn tiếp theo, mẹ bầu nên hạn chế uống nước và hãy đi tiểu trước khi siêu âm.
- Mẹ bầu nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là vùng kín để việc thăm khám đảm bảo an toàn, đặc biệt là giai đoạn đầu sẽ thực hiện siêu âm đầu dò.
- Sau mỗi lần khám, bạn hãy cất giữ các kết quả thăm khám, xét nghiệm ở trong một tập hồ sơ để dễ dàng theo dõi và mang theo ở những lần kiểm tra tiếp theo.
Việc tuân thủ các giai đoạn khám thai quan trọng không chỉ giúp mẹ bầu theo dõi sát sao sự phát triển của bé yêu mà còn đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình trong suốt thai kỳ. Đừng quên các mốc quan trọng này để hành trình làm mẹ trở nên trọn vẹn và ý nghĩa nhất nhé.