Siêu âm vùng bụng tổng quát là gì, khi nào cần thực hiện?

Siêu âm vùng bụng (hay siêu âm ổ bụng) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến giúp kiểm tra, đánh giá tình trạng của các cơ quan trọng ổ bụng như gan, thận, dạ dày,… Đây là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể và theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân. Cùng Nhà Thuốc Minh Thi 2 tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này qua bài viết dưới đây.

Siêu âm vùng bụng là gì?

Siêu âm vùng bụng (siêu âm ổ bụng) là kỹ thuật bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một đầu dò sóng âm ở tần số cao để khảo sát các cơ quan nằm bên trong ổ bụng. Sau đó, sóng âm chuyển đổi phản xạ lại để đưa ra hình ảnh cơ quan, cấu trúc bên trong ổ bụng đến người kiểm tra. Hình ảnh này được hiển thị trên màn hình máy tính một cách rõ ràng, chính xác nhất.

sieu-am-vung-bung-tong-quat
Siêu âm vùng bụng là gì?

Mục đích của việc siêu âm vùng bụng

Siêu âm tổng quát vùng bụng được ứng dụng vào một số mục đích sau:

  • Đánh giá kích thước và vị trí của cơ quan, cấu trúc bên trong ổ bụng.
  • Kiểm tra vùng bụng của bệnh nhân nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như: u nang, khối u, sự tắc nghẽn, ổ dịch, áp xe,…
  • Đo kích thước của động mạch chủ bụng nhằm phát hiện chứng phình động mạch chủ.
  • Phát hiện sớm tình trạng sỏi trong túi mật, thận và niệu quản để có phương án điều trị kịp thời.
  • Đánh giá lưu lượng máu của các cấu trúc khác nhau nằm tại vị trí trong ổ bụng.
  • Giúp bác sĩ xác định những bệnh lý khác.
sieu-am-vung-bung-tong-quat-1
Mục đích của việc siêu âm vùng bụng

Siêu âm ổ bụng kiểm tra bộ phận nào?

Siêu âm vùng bụng tổng quát được thực hiện để quan sát những cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng như: gan, tụy, lách, mật, thận,… thông qua hình ảnh thu được hiển thị trên màn hình. Qua đó giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến bộ phận này như:

  • Các bệnh lý về gan: Viêm gan mãn tính, gan nhiễm mỡ, u gan lành tính hay ác tính, xơ gan,…
  • Các bệnh lý về tuyến tụy: Các loại u tụy, những bất thường tụy bẩm sinh, viêm tụy,…
  • Các bệnh lý về lách: Áp xe lách, lách to, u lách, lympho lách,…
  • Các bệnh lý về đường tiết niệu: Sỏi thận, ung thư thận, sỏi bàng quang, viêm bàng quang, u đường bài xuất, sỏi niệu quản,…
  • Các bệnh lý về tiêu hóa: Viêm ruột thừa, các khối u xuất hiện trong ruột, xoắn ruột, lồng ruột,…
  • Các bệnh lý về đường mật: Sỏi mật, viêm túi mật, dị dạng đường mật, u đường mật,…
  • Các bệnh lý về sinh dục: U nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm tiền liệt tuyến, ung thư buồng trứng,…
  • Các bệnh lý sau phúc mạc: U, xơ hoá sau phúc mạc.

Ngoài ra, siêu âm vùng bụng tổng quát cũng giúp kiểm tra những vấn đề liên quan đến dịch ổ bụng hay khoang màng phổi,…

Khi nào cần siêu âm ổ bụng?

Siêu âm ổ bụng là một trong những danh mục quan trọng trong quá trình thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ của bản thân. Bạn nên duy trì khám mỗi năm 1 lần là tốt nhất.

  • Đối với người lớn tuổi nên khám định kỳ 6 tháng/ lần.
  • Đối với những người có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sờ bụng thấy có khối u, đau bao tử, sụt cân nhanh, tiêu hoá kém,… cần thực hiện siêu âm ổ bụng tổng quát ngay để tìm nguyên nhân.
  • Trong quá trình khám bệnh, nếu bác sĩ nghi ngờ có các dấu hiệu liên quan đến bệnh lý nội tạng, tiêu hoá thì bệnh nhân cũng được chỉ định thực hiện siêu âm vùng bụng tổng quát để kiểm tra, đánh giá kết quả và hỗ trợ điều trị.
sieu-am-vung-bung-tong-quat-2
Khi nào cần siêu âm ổ bụng?

Quy trình siêu âm ổ bụng hiện nay

Quy trình siêu âm ổ bụng được thực hiện theo các bước sau đây:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để chỉ định thực hiện siêu âm ổ bụng.
  • Bước 2: Bệnh nhân đổi đồ và bỏ trang sức để thuận tiện cho việc siêu âm. Sau đó, người bệnh nằm xuống và bác sĩ tiến hành thoa một lớp gel trơn lên vùng bụng để máy siêu âm hoạt động tốt hơn. Tiếp đến, bác sĩ tiến hành đưa đầu dò khắp vùng bụng để thu thập thông tin rồi lưu lại hình ảnh trong quá trình thực hiện.
  • Bước 3: Sau khi siêu âm xong, bạn thay lại đồ cá nhân và ngồi chờ kết quả. Trong quá trình chờ, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục ăn uống và sinh hoạt bình thường, trừ khi bác sĩ đưa ra lời khuyên mà bạn cần phải tuân theo.
  • Bước 4: Căn cứ vào hình ảnh thu thập được, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết về tình trạng sức khoẻ của vùng bụng bạn hiện bình thường hay bất thường. Nếu trường hợp xảy ra bất thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị hoặc chỉ định thực hiện thêm những kỹ thuật chẩn đoán hoặc xét nghiệm khác (nếu cần).
sieu-am-vung-bung-tong-quat-3
Quy trình siêu âm ổ bụng hiện nay

Lưu ý khi thực hiện siêu âm vùng bụng

Để có kết quả siêu âm chính xác nhất và nhanh chóng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau khi siêu âm ổ bụng tổng quát:

  • Nên duy trì khám sức khỏe định kỳ bằng cách siêu âm ổ bụng ít nhất mỗi năm một lần. Người lớn tuổi thì thực hiện khoảng 6 tháng/ 1 lần.
  • Trước khi thực hiện siêu âm vùng bụng cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ đồng hồ.
  • Trước khi siêu âm 1 giờ bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang căng đầy nước. Từ đó quá trình siêu âm cũng được chính xác hơn.
  • Nên mặc những trang phục rộng rãi để thuận tiện cho việc thăm khám.

Siêu âm vùng bụng tổng quát là phương pháp đơn giản và mang lại nhiều lợi ích cho việc chẩn đoán, phòng ngừa bệnh tật. Để đảm bảo có một sức khỏe tốt nhất, hãy theo dõi chặt chẽ và thực hiện siêu âm định kỳ hoặc ngay khi bạn cảm thấy có dấu hiệu bất thường.

Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button