Trĩ là một trong những căn bệnh không quá xa lạ với nhiều người, thế nhưng nó lại khiến họ khá ngại ngùng, ngại chia sẻ. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Minh Thi 2 sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về trĩ cũng như cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Trĩ là bệnh gì?
Trĩ là một loại bệnh của hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn, mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Tình trạng tăng áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng chính là điều kiện để hình thành nên các búi trĩ.
Bệnh trĩ thường gặp ở một số nhóm đối tượng như:
- Nhóm người làm kế toán, lái xe, khuân vác nặng, công nhân xây dựng, nhân viên văn phòng,…
- Phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ.
- Người thường xuyên bị rối loạn tiêu hoá hoặc gặp các vấn đề liên quan đến đường ruột.
- Người béo phì.
- Đặc biệt, người cao tuổi là nhóm người dễ mắc bệnh nhất do các cơ đã bị thoái hoá, hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh lý này ngày càng trẻ hoá và bất kỳ ai cũng đều có thể mắc phải nên đừng ngại ngần chia sẻ mà chủ quan với chúng.
Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ cũng được chia theo nhiều loại khác nhau, mỗi loại đều có triệu chứng riêng. Cụ thể như sau:
Trĩ nội
Trĩ nội được hình thành do dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trong phía trên đường lược. Đường lược chính là ranh giới giữa trực tràng và hậu môn. Trĩ nội được chia theo 04 cấp độ tuỳ theo kích thước và độ sau:
- Trĩ độ 1: Cấp độ này, búi trĩ nằm hoàn toàn ở trong ống hậu môn.
- Trĩ độ 2: Bình thường búi trĩ sẽ nằm gọn trong ống hậu môn. Khi rặn đi cầu búi trĩ thường thập thò hay lòi ít ra ngoài ở lỗ hậu môn. Khi đi cầu xong, búi trĩ có thể tự thụt vào khi đứng dậy.
- Trĩ độ 3: Mỗi lần đại tiện hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm hoặc làm việc nặng, búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này, người bệnh phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tự tụt vào hoặc phải dùng tay ấn đẩy nhẹ vào.
- Trĩ độ 4: Búi trĩ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn. Ở cấp độ 4, búi trĩ khá to, thường liên kết với nhau tạo thành vòng trĩ.
Trĩ ngoại
Trĩ ngoại được hình thành do giãn quá mức rối tĩnh mạch. Trĩ ngoại lúc nào cũng nằm ngoài ống hậu môn và phủ trên làn da quanh vị trí này.
Trĩ hỗn hợp
Ban đầu, trĩ nội nằm trong ống hậu môn và trên đường lược. Trĩ ngoại nằm ngoài ống hậu môn, dưới đường lược. Khi người bệnh có cả 2 búi trĩ này và để lâu dần có thể khiến trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp.
Nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh trĩ
Bệnh trĩ xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số “thủ phạm” phổ biến gây ra trĩ.
- Chế độ ăn uống kém khoa học: Việc ăn quá nhiều chất béo, đạm nhưng lại ít ăn thức ăn giàu chất xơ, vitamin chính là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì và gây sức ép lên vùng hậu môn. Ngoài ra, chế độ ăn uống trên còn khiến bạn bị táo bón và gây ra viêm, dẫn đến bệnh trĩ.
- Ít uống nước: Trung bình một ngày một người bình thường phải uống tối thiểu 2 lít nước. Việc ít uống nước hoặc lười uống nước sẽ làm khả năng lưu thông máu kém, cơ thể thiếu nước và dễ gây táo bón. Máu di chuyển đến các cơ ở hậu môn không đủ để nuôi dưỡng làm cho sự co bóp của cơ yếu và là nguyên nhân gây ra trĩ.
- Ngồi bồn cầu quá lâu: Khi ngồi bồn cầu quá lâu, phân sẽ khó ra, bạn phải cố rặn, thậm chí rặn nhiều và từ đó gây tổn thương đến hậu môn nên dẫn đến trĩ.
- Lười vận động: Những người lười vận động hoặc ít vận động, người phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ thường có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn do khả năng lưu thông máu bị hạn chế, áp lực lớn đè lên vùng hậu môn.
- Mang thai và sinh nở: Nguyên nhân này sẽ xảy ra đối với nữ giới do khi mang thai, sự tăng cân của bà bầu đã tác động lên vùng hậu môn, từ đó khiến trĩ có nguy cơ bùng phát. Đặc biệt, các mẹ bầu có thai lớn, quá trình vận động, đi lại bị hạn chế càng làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh trĩ.
- Stress: Khi bị stress, căng thẳng, lo lắng quá mức thì trung ương thần kinh sẽ sản xuất ra chất khiến cơ thể mệt mỏi. Vì thế, hoạt động của các cơ lúc này cũng yếu hơn, nhất là các cơ ở xa trung ương thần kinh như cơ vùng hậu môn sẽ nhận thông tin chậm làm trĩ có thể xuất hiện.
Các cách điều trị trĩ
Điều trị trĩ có thể thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau. Tuỳ vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đến bạn.
- Phương pháp Longo: Đây là phương pháp điều trị trĩ nội bằng máy khâu vòng y tế loại đặc biệt. Bác sĩ sẽ cắt khoanh vùng niêm mạc rồi khâu vòng lại, từ đó làm giảm lượng máu nuôi dưỡng búi trĩ. Theo đó, chúng sẽ dần teo lại rồi biến mất. Phương pháp Longo có thể áp dụng đối với những người mắc trĩ nội có búi trĩ sa vào hậu môn.
- Phương pháp PPH: PPH là phương pháp điều trị trĩ nội đối với cấp độ 3 và cấp độ 4. Bác sĩ sẽ đưa máy PPH, một loại máy khâu chuyên dụng vào đúng vị trí búi trĩ. Tiếp đó, máy sẽ vắt toàn bộ búi trĩ và phần niêm mạc hậu môn bị sa ra ngoài. Cùng lúc, niêm mạc bị cắt sẽ khâu nối lại với nhau, từ đó đưa hình dạng hậu môn trở về ban đầu.
- Thắt vòng cao su: Nếu bị trĩ nội cấp độ 2 hoặc 3, bạn có thể chữa trị bằng cách thắt vòng cao su. Bác sĩ sẽ dùng vòng cao su buộc búi trĩ chung với vùng da xung quanh hậu môn nhằm giảm lượng máu lưu thông. Sau một thời gian, búi trĩ sẽ teo dần và tạo thành mô xơ cứng, cố định trong ống hậu môn.
- Quang đông hồng ngoại: Đây là cách trị trĩ nội bằng tia hồng ngoại và quang đông. Các tia này sẽ tạo nên sức nóng làm đông mô trĩ, tạo thành sẹo xơ khiến máu không thể lưu thông. Đồng thời, các búi trĩ sẽ cố định trong ống hậu môn và làm giảm nguy cơ sa ra ngoài.
Biện pháp phòng chống trĩ
Để phòng ngừa bệnh trĩ – căn bệnh khó chịu này, bạn hãy bỏ túi các biện pháp dưới đây để có một sức khỏe tốt nhất, đẩy lùi bệnh tật.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tập luyện thể dục đều đặn và hợp lý không chỉ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ mà còn cho bạn một cơ thể khỏe mạnh nhất. Việc này giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch và tránh được những tác nhân gây bệnh khác.
- Hạn chế ăn những đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ và không dùng chất kích thích. Hãy ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin, khoáng chất ngăn ngừa bệnh tật.
- Hãy nhớ uống đủ lượng nước tối thiểu trong ngày. Cụ thể uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Nếu tính chất công việc khiến bạn ở một tư thế quá lâu, hãy tạo thêm những giây phút nghỉ ngơi, vận động nhẹ và đổi tư thế rồi tiếp tục làm việc nhé.
- Hãy giữ một tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng, stress để thể chất và tinh thần luôn được phát triển theo hướng tích cực. Từ đó, cơ thể cũng khỏe mạnh và không còn nỗi lo về bệnh tật.
Mặc dù trĩ là căn bệnh khó nói nhưng việc chủ động thăm khám, điều trị sẽ giúp bạn thoát khỏi những phiền toái do bệnh này gây ra. Vì vậy, đừng ngại ngân chia sẻ với bác sĩ chuyên khoa và thay đổi lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ tái phát nhé.